Đường là tên gọi chung cho carbohydrate hoà tan có vị ngọt, nhiều trong số đó được sử dụng trong thực phẩm. Có hai loại đường: Đường đơn (monosaccharides), bao gồm glucose, fructose và galactose; và đường hỗn hợp (disaccharides hoặc đường đôi), có chứa hai phân tử đường kết hợp với nhau.
Các loại đường hỗn hợp phổ biến là sucrose (glucose + fructose), lactose (glucose + galactose) và maltose (glucose + glucose). Đường hỗn hợp được phân chia thành các loại đường đơn trước khi chúng được hấp thụ vào máu trong cơ thể.
Đường đơn được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, từ trái cây và rau quả đến các sản phẩm từ sữa. Chúng cũng có thể được thêm vào thực phẩm và đồ uống như kẹo, nước trái cây có đường và nước ngọt.
Đường cát, hay được gọi là sucrose, là loại đường hỗn hợp phổ biến nhất.
Thật ra chúng ta không cần đường. Chúng ta cần ở đây là carbohydrates hoặc carbs, nguồn dinh dưỡng chính cung cấp năng lượng cho cơ thể. Ngoài carbs, hai nguồn dinh dưỡng quan trọng khác là chất béo và đạm.
Carbs được tìm thấy nhiều trong hoa quả, các thực phẩm từ sữa, gạo, phở/mì/bún, bánh mỳ, và các loại rau củ chứa tinh bột (khoai tây, ngô và sắn), và trong các đồ tráng miệng và thức uống có đường. Chúng được phân tách thành glucose đơn, được đốt cháy như năng lượng và tạo ATP (Adenosine triphosphate) cho cơ thể.
ATP là một phân tử mang năng lượng lưu trữ và giải phóng năng lượng dựa vào nhu cầu của các tế bào cơ thể.
Ung thư là một thuật ngữ được đặt cho một nhóm bệnh đặc trưng bởi sự phân chia không kiểm soát được của các tế bào bất thường với khả năng xâm lấn hoặc lan sang các bộ phận khác trong cơ thể.
Có hơn 100 loại ung thư ảnh hưởng đến hầu hết mọi bộ phận của cơ thể, như ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư da, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư hạch.
Không có nghiên cứu kết luận trên con người cho rằng đường gây ung thư hoặc kích thích các tế bào ung thư phát triển nhanh hơn.
Tất cả các tế bào, bao gồm cả tế bào ung thư, cần lượng đường trong máu để tạo năng lượng. Cung cấp thêm đường cho các tế bào ung thư không làm chúng phát triển nhanh hơn. Cũng như cắt giảm lượng đường không làm chậm lại sự phát triển của tế bào ung thư. Một khối u ung thư chưa lan rộng sẽ không lan rộng do đường. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng một vài tế bào ung thư tiêu thụ nhiều đường (glucose) hơn so với các tế bào bình thường.
Tuy vậy, không cần phải cắt hoàn toàn việc tiêu thụ đường từ chế độ ăn uống của chúng ta. Cơ thể con người cần đường để hoạt động; thiếu năng lượng sẽ chỉ khiến cơ thể suy yếu.
Tuy nhiên, điều chúng ta nên tránh là ăn quá nhiều đường. Quá nhiều đường mà cơ thể không sử dụng hết có thể dẫn đến sự gia tăng lượng đường trong máu và tăng insulin (sản sinh nhiều insulin hơn cần thiết). Điều này gây ra phản ứng viêm trong cơ thể chúng ta và có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Một chế độ ăn nhiều đường cũng có thể góp phần vào bệnh tiểu đường và béo phì, hai bệnh có liên quan tới việc tăng nguy cơ phát triển các loại ung thư.
Trong khi nghiên cứu về đồ uống có đường và nguy cơ ung thư vẫn còn hạn chế, một nghiên cứu được công bố bởi Tạp chí Y học Vương Quốc Anh năm 2019 đưa ra bằng chứng về mối liên hệ giữa việc tiêu thụ đồ uống có đường nhiều hơn và tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Trong nghiên cứu này, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Pháp đã khảo sát hơn 100.000 người trưởng thành với độ tuổi trung bình là 42; 79% trong số họ là phụ nữ. Những người tham gia đã hoàn thành ít nhất hai bảng câu hỏi về chế độ ăn uống được xác nhận trực tuyến trong 24 giờ, tính toán lượng thức uống có đường hàng ngày của họ (đồ uống có đường và 100% nước ép trái cây) và đồ uống có vị ngọt nhân tạo (dành cho ăn kiêng), và theo dõi cùng họ tới chín năm.
Nghiên cứu cho thấy chỉ cần tăng 100 ml đồ uống có đường mỗi ngày cũng có thể gia tăng nguy cơ ung thư tới 18% và ung thư vú tăng 22%. Điều này áp dụng cho cả đồ uống có đường và nước ép trái cây, trong khi việc uống đồ uống có vị ngọt nhân tạo (đường ăn kiêng) không liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư.
Các yếu tố nguy cơ nổi tiếng khác của bệnh ung thư, như tuổi tác, giới tính, tiền sử gia đình, thói quen hút thuốc và mức độ hoạt động thể chất, cũng được tính đến.
Không cần phải cắt bỏ đường hoàn toàn khỏi chế độ ăn. Ăn mọi thứ trong chừng mực, nhưng tiêu thụ đường ở mức tối thiểu.
Tập trung vào việc ăn uống lành mạnh cùng với chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng, ví dụ: ăn carbs phức tạp để cung cấp năng lượng cho cơ thể hoặc sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật cao hơn. Chất xơ và carbs giải phóng chậm có thể làm giảm nguy cơ ung thư và cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể khỏe mạnh hơn. Bên cạnh dinh dưỡng tốt, hãy duy trì hoạt động thể chất.
*** Nguồn: Parkway Cancer Centre ~ Trung tâm Ung thư Parkway, Singapore