Matthew Potthoff - Đại học Iowa và Matthew Gillum - Đại học Copenhagen, đã hợp tác nghiên cứu chức năng của FGF21.
Nhóm muốn xem xét các cơ chế điều hòa sự ngon miệng khi ăn đường và để làm được điều này, họ đã quyết định nghiên cứu vai trò của FGF21 trong việc điều chỉnh sự ưu tiên lựa chọn thực phẩm của từng cá nhân.
FGF21 ảnh hưởng đến hành vi bằng cách tác động lên hệ thần kinh trung ương. Thông qua nghiên cứu, nhóm nghiên cứu quan sát thấy gan sản xuất FGF21 để đáp ứng với lượng đường ăn vào. FGF21 sau đó đi vào máu và kìm hãm có chọn lọc sự thèm ăn đường bằng cách tác động vào vùng dưới đồi, một phần của não điều khiển việc cân bằng dinh dưỡng và năng lượng nội môi.
Trong khi đó, tại Đại học Texas, các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Steven Kliewer và David Mangelsdorf đã tiến hành một nghiên cứu về FGF21 khác trên chuột và khỉ.
Nhóm nghiên cứu cho rằng FGF21 có ảnh hưởng đến việc ưu thích vị ngọt và thức uống có cồn của các cá thể. Khi một liều thuốc duy nhất được tiêm cho khỉ, con vật mất hứng thú đối với nước ngọt; điều tương tự xảy ra đối với thức uống có cồn.
Tuy nhiên, các thử nghiệm khác cho thấy FGF21 không ảnh hưởng đến phản ứng đối với chất béo hay vị đắng.
Câu hỏi tại sao FGF21 tồn tại vẫn chưa hoàn toàn có câu trả lời rõ ràng. FGF21 có thể là để nâng cao chất lượng ăn uống hoặc vì đường có thể lên men thành ethanol, nên FGF21 giúp bảo vệ gan khỏi tình trạng hàm được cồn cao quá mức.
Cả hai nghiên cứu trên đều cho thấy FGF21 có thể giúp ngăn việc tiêu thụ quá mức đường. Các nghiên cứu sâu hơn nếu được thực hiện sẽ là cơ sở để ứng dụng FGF21 trong điều trị, chữa bệnh tiểu đường type 2 và bệnh béo phì..
Nguồn: Medical News Today